2banner 10x08m 01

ĐTSK: "Một số biện pháp hướng dẫn giáo viên tổ mẫu giáo nhỡ- lớn có kinh nghiệm xử lý các tình huống sư phạm thường gặp trong CSGD trẻ tại trường MNTC".

Thứ hai - 29/03/2021 04:35
ĐTSK: "Một số biện pháp hướng dẫn giáo viên tổ mẫu giáo nhỡ- lớn có kinh nghiệm xử lý các tình huống sư phạm thường gặp trong CSGD trẻ tại trường MNTC".

    1. MỤC LỤC
 

NỘI DUNG Trang
 
1. Mục lục  
2. Nội dung giải pháp  
A.  SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC THỰC HIỆN SÁNG KIẾN  
 
I. Tính tổng quan về mục đích của việc thực hiện giải pháp.
 
 
II. Sự cần thiết của giải pháp  
 
III. Mục tiêu nghiên cứu của sáng kiến và vấn đề được giải quyết trong sáng kiến
 
 
IV. Phương pháp nghiên cứu  
V. Xác định phạm vi, lĩnh vực và đối tượng áp dụng  
B. NỘI DUNG  
I. Cơ sở khoa học và lý luận của sáng kiến  
II. Thực trạng của vấn đề cần giải quyết  
III. Nội dung của giải pháp  
IV. Kết luận  
C. TRÍCH DẪN DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO  
 
 
 
 
 
 
 
          2. NỘI DUNG GIẢI PHÁP
          A. SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC THỰC HIỆN SÁNG KIẾN
          I. Tính tổng quan về mục đích của việc thực hiện giải pháp, sự cần thiết của giải pháp
          Giáo dục Mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, ngôn ngữ và thẩm mỹ của trẻ để chuẩn bị vào lớp 1. Đây là lứa tuổi đang hình thành nền tảng đầu tiên của nhân cách, vì vậy khi chăm sóc, giáo dục trẻ, đội ngũ giáo viên tổ mẫu giáo nhỡ - lớn cần phải am hiểu sâu sắc về đặc điểm tâm sinh lý độ tuổi đang phụ trách chăn sóc giảng dạy, cần biết tận dụng tình huống, coi các tình huống sư phạm là nội dung, phương pháp, phương tiện giáo dục trẻ. Chính trong hoàn cảnh tự nhiên của các tình huống sư phạm xảy ra trong chăm sóc giáo dục trẻ hàng ngày trẻ sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận sự giáo dục, các tình huống càng diễn ra tự nhiên bao nhiêu thì hiệu quả giáo dục càng cao bấy nhiêu.
          Tuy nhiên tổ khối tôi phụ trách không phải đồng chí giáo viên nào cũng có kỹ năng linh hoạt trong việc giải quyết các tình huống sư phạm hàng ngày. Bên cạnh những giáo viên có kinh nghiệm giải quyết các tình huống sư phạm một cách phù hợp và hiệu quả vẫn còn những giáo viên lúng túng trong cách ứng xử, thiếu kỹ năng giải quyết tình huống phù hợp hoặc lạm dụng uy quyền để trấn áp trẻ, dẫn đến những phản ứng ngược từ phía trẻ, gia đình và xã hội.
          Là một cán bộ quản lý phụ trách chuyên môn tổ khối mẫu giáo nhỡ- lớn, tôi luôn trăn trở suy nghĩ cần phải làm gì để giúp cho đội ngũ giáo viên trong tổ đỡ lúng túng khi tìm các giải pháp cho các tình huống có thể xảy ra khi tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ, phải làm sao để chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ toàn trường nói chung và chất lượng trẻ của tổ khối mẫu giáo nhỡ- lớn nói riêng đạt kết quả cao, không có những trẻ bị kỳ thị, sự phối kết hợp giữa nhà trường gia đình và xã hội luôn duy trì tốt? từ những câu hỏi những trăn trở đó mà tôi đã trọn đề tài: "Một số biện pháp hướng dẫn giáo viên tổ mẫu giáo nhỡ- lớn có kinh nghiệm xử lý các tình huống sư phạm thường gặp trong chăm sóc giáo dục trẻ tại trường Mầm non xã Thanh Chăn" làm đề tài nghiên cứu.
          II. Mục tiêu nghiên cứu của sáng kiến và vấn đề được giải quyết trong sáng kiến
          Đề tài          nhằm trang bị cho đội ngũ giáo viên tổ khối có đầy đủ những kỹ năng để giải quyết các tình huống sư phạm trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường.
          Giúp giáo viên tổ khối vận dụng vào giải quyết các vấn đề như biết quản lý cảm xúc, tránh được những tiêu cực phát sinh trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại lớp mình phụ trách.
            Giúp nâng cao năng lực xử lý tình huống sư phạm cùng hệ thống các kỹ năng sư phạm để nhận diện tình huống, phát hiện mâu thuẫn, huy động kinh nghiệm, lựa chọn phương án, bình tĩnh, quan tâm, tôn trọng, thận trọng lắng nghe để hiểu đối tượng, nhằm sáng tỏ các nguyên nhân, vận dụng các biện pháp thích hợp trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc và quy trình.
          III. Phương pháp nghiên cứu
Khi nghiên cứu đề tài "Một số biện pháp hướng dẫn giáo viên tổ mẫu giáo nhỡ- lớn có kinh nghiệm xử lý các tình huống sư phạm thường gặp trong chăm sóc giáo dục trẻ tại trường Mầm non xã Thanh chăn" tôi đã sử dụng một số phương pháp như:
          Phương pháp dùng lời: Dùng lời để trao đổi, truyền đạt kiến thức kinh nghiệm xử lý tình huống sư phạm tới giáo viên trong tổ khối.
          Phương pháp tìm tòi sáng tạo: Tìm, sáng tạo ra những biện pháp đưa vào sử dụng trong sáng kiến.
          Phương pháp quan sát: Quan sát, hướng dẫn và cùng xử lý các tình huống diễn ra trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ hàng ngày
          Phương pháp trực quan: Quan sát vi deo, hình ảnh...
          V. Xác định phạm vi, lĩnh vực và đối tượng áp dụng
Phạm vi nghiên cứu: tại trường Mầm non xã Thanh Chăn - xã Thanh Chăn - huyện Điện Biên - tỉnh Điện Biên
Đối tượng: 12 đồng chí giáo viên trong tổ khối mẫu giáo nhỡ- lớn đang công tác tại trường Mầm non xã Thanh Chăn- xã Thanh Chăn - huyện Điện Biên - tỉnh Điện Biên
          B.NỘI DUNG
          I. Cơ sở khoa học và lý luận của sáng kiến
          Để có được năng lực sư phạm đội ngũ giáo viên trong tổ khối phải có những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Hơn nữa sự thành thạo về kỹ năng sư phạm nghề nghiệp còn giúp cho các cô nhanh chóng đạt được những mục tiêu giáo dục mà bản thân, nhà trường và ngành đã đề ra. Như vậy, muốn làm được điều này một trong những đòi hỏi là các cô phải có đó là khả năng giải quyết linh hoạt khéo léo và kịp thời các tình huống diễn ra hoạt động sư phạm, đưa các hoạt động và quan hệ có chứa đựng những vấn đề bức xúc, căng thẳng trở lại ổn định và tiếp tục phát triển. Khi giải quyết các tình huống sư phạm, các cô giáo trong tổ cần phải phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hóa, trừu tượng hóa, phán đoán, suy luận, tìm ra nguyên nhân và đưa ra cách giải quyết hợp lý nhất.
          Tuy nhiên, trên thực tế các tình huống sư phạm trong hoạt động hàng ngày xảy ra hết sức đa dạng, muôn màu, muôn vẻ đòi hỏi các cô giáo phải có tri thức lí luận và thực tiễn về các lĩnh vực giáo dục nhất định, phải am hiểu sâu sắc về đặc điểm tâm sinh lý trẻ mầm non.
          Bởi lẽ, các tình huống sư phạm là những sự kiện, vụ việc, hoàn cảnh có chứa căng thẳng, mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa giáo viên với trẻ. Khi chăm sóc giáo dục trẻ, cô giáo cần biết vận dụng tình huống coi tình huống sư phạm là nội dung, phương pháp cũng như phương tiện giáo dục trẻ. Chính trong những hoàn cảnh tự nhiên của các tình huống sư phạm sẽ giúp trẻ dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận sự giáo dục, tình huống càng diễn ra tự nhiên bao nhiêu thì hiệu quả giáo dục càng cao bấy nhiêu. Do đó, các cô không chỉ dừng lại ở chỗ biết tận dụng các tình huống xảy ra hàng ngày mà cần tạo ra tình huống để giáo dục trẻ.
          II. Thực trạng của vấn đề cần giải quyết
Vào tháng 12 năm 2019, trường Mầm non xã Thanh Chăn được UNND tỉnh Điện Biên công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II và đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ III, tập thể tổ khối đoàn kết tương trợ nhau về chuyên môn cũng như các hoạt động, cùng nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ một số đồng chí giáo viên của tổ khối việc xử lý các tình huống xảy ra đôi khi còn cứng nhắc, chưa linh hoạt khéo léo, làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa gia đình và nhà trườngVì vậy, ngay từ đầu năm tôi đã tiến hành khảo sát thực trạng của giáo viên trong tổ khối tôi nhận thấy có những thuận lợi và khó khăn sau:
1. Thuận lợi
Trong năm học 2019-2020, đội ngũ giáo viên trong tổ khối mẫu giáo nhỡ- lớn đủ về số lượng (12 đồng chí/6 lớp, đảm bảo đủ theo quy định), 100% các đồng chí đều được đào tạo trình độ trên chuẩn, trẻ khỏe năng động nhiệt tình, hết lòng cho sự nghiệp giáo dục, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, trong các năm học qua tổ luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao
Cơ sở vật chất của trường được xây dựng khang trang, đủ số phòng học và các phòng hiệu bộ, trang thiết bị, đồ dùng dạy học được trang cấp và bổ sung thường xuyên, đáp ứng yêu cầu giáo dục mầm non trong giai đoạn hiện nay.
2. Khó khăn  
 Kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm của một vài đ/c đôi khi còn cứng nhắc, thiếu bình tĩnh, chưa linh hoạt dẫn tới còn nhiều khúc mắc chưa thỏa đáng cho trong việc xử lý tình huống.
Đầu năm khi thực hiện đề tài sáng kiến này tôi đã tiến hành khảo sát thu được kết quả như sau:
Nội dung khảo sát Kết quả
Số giáo viên biết cách xử lý các tình huống sư phạm khéo léo, linh hoạt, hợp lý thúc đẩy phát triển ở trẻ các lĩnh vực giáo dục Đạt 55%
Số giáo viên còn lúng túng trong việc lựa chọn phương pháp, xử lý cứng nhắc các tình huống Đạt 45%
Từ thực trạng đã khảo sát đầu năm tôi luôn suy nghĩ, tìm ra những biện pháp triển khai giúp cho đội ngũ giáo viên tổ khối có kỹ năng xử lý khéo léo, linh hoạt, hợp lý các tình huống sư phạm nhằm thúc đẩy phát triển ở trẻ các lĩnh vực giáo dục và tạo được mối quan hệ tốt giữa gia đình và nhà trường trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
          III. Nội dung của giải pháp
          Biện pháp 1: Tạo môi trường vật chất và môi trường xã hội an toàn cho trẻ, phòng tránh các tình huống sư phạm xảy ra
          Tổ khối mẫu giáo nhỡ- lớn đa số lớp học đều tập trung ở khu trung tâm, chỉ có 1 lớp mẫu giáo nhỡ đặt ở điểm trường Hoong lếch cang, cơ sở vật chất các lớp được trang bị đầy đủ, đa dạng về chủng loại. Giao thông đi lại thuận tiện an toàn với trẻ.
          Tuy nhiên đối với 2 lớp mẫu giáo lớn học tại tầng 2 dãy nhà 2 tầng ở trung tâm các cô giáo cần tạo môi trường thân thiện cho trẻ, đặc biệt là khu lan can cần tạo môi trường tiếng Việt, trồng các loại cây dây leo, môi trường gieo cây mầm, như vậy trẻ vừa được học tập trải nghiệm cũng là để làm lá chắn cho trẻ không đùa nghịch khu lan can. Các cô giáo cũng cần lưu ý tới bậc thang đi lên xuống tầng của 2 lớp, cần lấy dây thừng nối liền các ô cầu thang hoặc các cô có thể làm các tranh ảnh bằng các tấm bìa cát tông có kèm Tiếng anh trang trí vào lan can che lấp những ô cầu thang tránh cho trẻ đùa nghịch khi đi lên xuống. Các cô cần trang trí các hình bàn chân, hình bông hoa chữ cái chữ số vào các bậc thang nhằm cho trẻ đi lại chậm hơn thu hút sự chú ý vào các hình đó, tránh chạy lên xuống giữa các tầng rất nguy hiểm, như vậy sẽ phòng tránh được những tai nạn thương tích xảy ra cho trẻ tránh được những tình huống sư phạm đáng tiếc như ngã, rơi cầu thang lan can.
clip image002(2)clip image004(2)
Hình ảnh: Cầu thang được nhà trường thiết kế đảm bảo an toàn cho trẻ và một góc lớp
 tạo môi trường cho trẻ trải nghiệm khám phá
          Đối với các lớp dưới tầng 1 giáo viên cũng cần tạo môi trường chữ số, tiếng Việt, tạo các góc trải nghiệm ở dãy hành lang, tạo môi trường cây xanh khu lan can, để gọn gàng đồ dùng các góc không để các vật sắc nhọn trong tầm với và khu chơi của trẻ.
          Với khu ăn, các cô cần bao quát trẻ, kê bàn ăn dãn cách xa tạo không gian rộng rãi cho trẻ đi vào ăn cơm, khi trẻ ăn cần động viên khuyến khích, cấm dọa nạt trẻ và hối thúc trẻ ăn vì như vậy trẻ sẽ bị sặc rất nguy hiểm tới tính mạng trẻ. Khi trẻ đi vệ sinh cô giáo cần đi theo trẻ vì ở đây trẻ hay nô nghịch cười đùa dễ bị ngã vì mặt sàn lát gạch đá hoa dễ trơn trượt. Khi ngủ các cô cần bao quát và lưu ý tới những trẻ ốm, trẻ ăn quá no vào ngày hôm đó.
clip image006(2)clip image008(2)
Hình ảnh: Phối hợp cùng giáo viên trong tổ - khối lao động vệ sinh đồ dùng đồ chơi khu ăn và khu vui chơi
          Biện pháp 2: Hướng dẫn giáo viên vận dụng các phương pháp dạy học tích cực vào công tác chăm sóc giáo dục trẻ hàng ngày.
          Để hạn chế tối đa các tình huống sư phạm xảy ra trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ, ngoài việc tạo môi trường an toàn các cô cần phát huy năng lực chuyên môn bản thân, vận dụng các phương pháp dạy học tích cực vào công tác chăm sóc giáo dục trẻ, bởi vì trẻ em trong giai đoạn từ 0-6, đặc biệt là lứa tuổi 4-5 tuổi và 5-6 tuổi là thời kì phát triển mạnh mẽ cả về thể chất, trí tuệ, cảm xúc, trẻ tương tác tích cực với những gì diễn ra xung quanh trẻ việc học ở trẻ là thông qua sự bắt chước, khám phá, trải nghiệm, thực hành để hiểu về những sự vật, hiện tượng diễn ra xung quanh trẻ, đồng thời trẻ học cách biểu đạt những hiểu biết đó thông qua sự chia sẻ, trao đổi với bạn bè.
          Vì vậy, khi những tình huống sư phạm xảy ra thì vai trò của các cô là khai thác các tình huống đó cũng như các vật liệu khác nhau để khuyến khích trẻ chơi, khuyến khích trẻ hoạt động cùng nhau, giúp trẻ suy nghĩ nhiều hơn về những gì trẻ nhìn thấy và đang làm, kích thích  trẻ quan sát, xem xét, phỏng đoán các sự vật hiện tượng xung quanh và chia sẻ điều trẻ nhìn thấy, điều trẻ nghĩ hoặc điều còn băn khoăn, thắc mắc.
          Việc dạy trẻ theo phương pháp truyền thống một chiều "cô nói, trẻ nghe", hoặc việc trình chiếu cho trẻ xem hơn là việc tổ chức cho trẻ được hoạt động, lớp học thụ động bị cuốn theo các hiệu ứng trên màn hình làm loãng đi trọng tâm của bài học, hiệu quả đạt được không cao, các hoạt động cho trẻ khám phá, trải nghiệm chưa phong phú và đa dạng, chưa tận dụng triệt để môi trường tự nhiên, sẵn có để dạy trẻ, đồ dùng đồ chơi cho trẻ vẫn chưa đáp ứng đủ theo quy định...đây chính là những biểu hiện của việc chậm đổi mới các phương pháp giáo dục.
          Vì vậy, các cô phải sử dụng phương pháp giáo dục theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ chứ không phải là tập trung vào phát huy tính tích cực của giáo viên, do đó các cô giáo phải nỗ lực hơn rất nhiều so với dạy theo phương pháp truyền thống, thụ động.
          Dưới đây là một số nội dung mà các cô cần quan tâm để vận dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực trong tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ đáp ứng với quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
          *Giáo viên giúp trẻ tận dụng tất cả các giác quan để khám phá sự vật, hiện tượng
          Các cô nên dành thời gian cho trẻ quan sát, xem xét, phỏng đoán, so sánh, sử dụng câu hỏi gợi mở, câu hỏi kích thích trẻ tư duy nhằm dẫn dắt trẻ suy nghĩ và giúp trẻ nói lên được về những gì mà trẻ đang nhìn thấy, các cô cần gợi ý cho trẻ chia sẻ, bày tỏ ý kiến của mình, cùng nhau trao đổi để tìm hiểu, khám phá đối tượng. Bên cạnh đó các cô cần tạo cho trẻ môi trường hoạt động phong phú, hấp dẫn với các đồ dùng, đồ chơi và các nguyên vật liệu khác nhau để kích thích hứng thú khám phá của trẻ.
          *Giáo viên cần phải nắm vững các kỹ thuật sử dụng từng phương pháp dạy học cụ thể
          Các cô cần thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật của từng phương pháp, có như thế thì mới nâng cao được hiệu quả tổ chức các hoạt động cho trẻ. Các kỹ thuật này bao gồm: chia nhóm, giao nhiệm vụ, đưa ra tình huống có vấn đề, cách đặt câu hỏi... Cụ thể về cách đặt câu hỏi thì các cô cần chú ý tới một số yêu cầu như sau: Câu hỏi phải liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu bài học; câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng dễ hiểu; đúng lúc, đúng chỗ; phù hợp với trình độ của trẻ; câu hỏi phải kích thích sự suy nghĩ của trẻ nhằm khuyến khích sự phát triển nhận thức và ngôn ngữ của trẻ, các cô không ghép nhiều nội dung trong một câu hỏi, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc, trẻ sẽ trả lời dễ dàng hơn với các câu hỏi đơn nghĩa, rõ ý.
clip image010(2)clip image012(2)
Hình ảnh:Hướng dẫn giáo viên tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ
* Cần khai thác và vận dụng các phương pháp dạy học tích cực một cách khoa học
          Để thực hiện tốt điều này thì trong từng phương pháp dạy học cụ thể các cô cần phải chú ý một số nội dung như sau:
          - Nhằm giúp cho sự hiểu biết của trẻ trở nên sâu sắc và bền vững hơn, giúp trẻ sẽ nhớ nhanh và lâu hơn thì các cô nên sử dụng phương pháp thảo luận nhóm. Có rất nhiều cách khác nhau để chia nhóm tuy nhiên, không nên chia nhóm trẻ quá đông hoặc quá ít, nội dung thảo luận của các nhóm có thể giống hoặc khác nhau. Cần quy định rõ thời gian thảo luận và kết quả thảo luận cho các nhóm, cần bầu ra trưởng nhóm, kết quả thảo luận nhóm có thể được trình bày bằng nhiều hình thức như: vẽ, hát, đóng kịch, thơ…các cô cần quan sát các nhóm thảo luận và có sự giúp đỡ kịp thời trong trường hợp các nhóm gặp khó khăn.
          - Đối với phương pháp dạy học giải quyết vấn đề thì các cô cần thực hiện đúng theo quy trình các bước như sau: Xác định, nhận dạng vấn đề hoặc tình huống; thu thập thông tin có liên quan đến vấn đề hoặc tình huống đặt ra; liệt kê các cách giải quyết có thể có; phân tích, đánh giá kết quả từng cách giải quyết (tích cực, hạn chế, cảm xúc, giá trị); so sánh kết quả các cách giải quyết; lựa chọn cách giải quyết tối ưu nhất; thực hiện theo cách giải quyết đã lựa chọn; rút kinh nghiệm cho việc giải quyết những vấn đề, tình huống khác.
          - Đối với phương pháp đóng vai thì việc "diễn" không phải là phần chính của phương pháp này mà điều quan trọng là các cô giúp trẻ tham gia thảo luận sâu sau phần tham gia vào vai diễn ấy.
          - Để sử dụng phương pháp trò chơi đạt hiệu quả thì các cô nên chọn những trò chơi dễ tổ chức và thực hiện, trò chơi phải phù hợp với chủ đề, với đặc điểm và trình độ của trẻ, phù hợp với quỹ thời gian, với hoàn cảnh, điều kiện thực, trẻ phải nắm được quy tắc chơi và phải tôn trọng luật chơi, trò chơi phải tạo được sự hứng thú và vui thích của trẻ.
          - Khi sử dụng phương pháp dạy học khám phá các cô nên lựa chọn nội dung vấn đề hoặc tình huống đảm bảo tính vừa sức đối với trẻ, chuẩn bị đồ chơi, đồ dùng trực quan và những điều kiện cần thiết để trẻ tự tìm tòi khám phá, tổ chức cho trẻ làm việc cá nhân, làm việc theo nhóm; khuyến khích trẻ tự tìm tòi khám phá, đưa ra các phát hiện, cách giải quyết có thể; liệt kê các cách giải quyết có thể có; phân tích, đánh giá kết quả mỗi cách giải quyết của cá nhân trẻ, của nhóm trẻ; lựa chọn cách giải quyết tối ưu nhất; kết luận về nội dung của vấn đề, làm cơ sở cho trẻ tự kiểm tra, tự điều chỉnh; rút kinh nghiệm cho việc giải quyết những vấn đề, tình huống khác.                                                                  
          - Đối với phương pháp dạy học trải nghiệm thì các cô nên tổ chức cho trẻ thực hiện đủ bốn bước: quan sát; suy nghĩ; Cảm nhận; Hành động. Để học hiệu quả, trẻ cần phải: tiếp nhận thông tin, suy ngẫm xem nó sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ như thế nào, so sánh mức độ phù hợp của nó với những trải nghiệm của trẻ thế nào và suy nghĩ xem từ thông tin đó trẻ sẽ có những cách hành xử mới nào. Việc học tập đòi hỏi không chỉ có nhìn, nghe, chuyển động hay động chạm. Trẻ cần biết kết hợp những gì trẻ cảm giác và suy nghĩ được với những gì trẻ cảm nhận và ứng xử.
          - Phương pháp động não khi sử dụng đối với trẻ thì các cô nên hướng dẫn trẻ cách trả lời những câu hỏi ngắn, có khi chỉ cần một từ. Tất cả ý kiến của trẻ đều cần được các cô khích lệ, thừa nhận. Đặc biệt, không phê phán các câu trả lời của trẻ và luôn khen ngợi trẻ đúng lúc. Cuối giờ thảo luận cần nhấn mạnh kết quả có được là thành quả của cả nhóm hoặc của tất cả các thành viên trong nhóm.
          Phương pháp dạy học tích cực việc các cô cần sử dụng và phối hợp một cách khéo léo, hợp lý các phương pháp dạy học khác nhau sẽ phát huy tính tích cực và sự hợp tác của đứa trẻ. Tùy thuộc vào đặc điểm tiếp nhận kiến thức của trẻ mà các cô lựa chọn phương pháp tiếp cận cho phù hợp. Để thực hiện tốt các phương pháp dạy học tích cực thì các cô phải nắm vững về chuyên môn thực hiện trong năm học, khả năng nhận thức của từng trẻ, tham gia đầy đủ những buổi tập huấn, thường xuyên rèn luyện cho mình kỹ năng ứng xử các tình huống sư phạm thật tinh tế và linh hoạt, sử dụng thành thạo các trang thiết bị dạy học hiện đại, biết định hướng sự phát triển của trẻ theo mục tiêu giáo dục nhưng cũng đảm bảo sự tự do của trẻ trong các hoạt động giáo dục khác.
          Biện pháp 3: Áp dụng tích cực chuyên đề "Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm" cho công tác giáo dục
          Tôi cho rằng, ngoài phương pháp dạy học tích cực và để phương pháp phát huy tối đa hiệu quả, các cô phải tạo được môi trường thuận lợi để trẻ học tập, vui chơi. Theo đó, các cô nên tìm hiểu, nắm bắt được nhu cầu, hứng thú, khả năng của từng trẻ để có cách dạy phù hợp. Môi trường ở đây không chỉ dừng lại trong lớp học, mà phải tận dụng tất cả không gian trong, ngoài lớp để trẻ được trải nghiệm, khám phá. Các cô nên khéo léo trang trí, bày biện những góc chơi để lôi cuốn trẻ. Đồng thời, cần tận dụng các thiết bị, đồ dùng sẵn có, đồ chơi tự làm từ các vật liệu thân thiện để kích thích trẻ hoạt động sáng tạo. Qua đó giúp trẻ phát huy năng khiếu cá nhân, mở rộng các mối quan hệ qua lại giữa các nhóm, tăng cường kỹ năng hoạt động nhóm trong trẻ…
          Không chỉ vậy, các cô nên đầu tư việc lập kế hoạch, thiết kế hoạt động sao cho phù hợp với khả năng, nhu cầu thực tiễn, kinh nghiệm sống của từng trẻ. Khi tổ chức các hoạt động cần đặt trẻ vào trung tâm của quá trình giáo dục, tạo mọi cơ hội cho trẻ tham gia vào các hoạt động, để trẻ được tự do trải nghiệm, chia sẻ với bạn bè và học hỏi, suy nghĩ, vận dụng những điều đã học vào giải quyết các tình huống sẽ xảy ra trong cuộc sống. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức các hoạt động, việc đặt câu hỏi là cách tốt nhất để giúp trẻ phát triển trí tuệ, kích thích tư duy, hứng thú trong trẻ.
          Bên cạnh đó, nên tăng cường các hoạt động cá nhân trẻ thông qua hoạt động trong ngày. Ví dụ như tận dụng thời gian gần gũi, kể chuyện, phân công công việc để trẻ thực hiện. Điều này không chỉ giúp giáo viên nắm được điểm mạnh, yếu của từng trẻ. Từ đó giúp trẻ điều chỉnh tính cách của mình. Giáo viên nên tạo cơ hội để trẻ phát biểu ở tất cả các giờ học để trẻ được tư duy, thêm tự tin, mạnh dạn khi nêu lên chính kiến của mình…
          Và để việc giáo dục lấy trẻ làm trung tâm tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần lan tỏa mạnh mẽ trong các lớp thiết nghĩ mỗi cô giáo nên vận dụng linh hoạt bằng tình thương, trách nhiệm và tâm huyết của những “mẹ hiền thứ hai” dành cho trẻ.
          Xây dựng môi trường giáo dục trong trường, lớp mang tính “mở” kích thích sự tập trung chú ý, tư duy và cảm xúc tích cực của trẻ, thúc đẩy trẻ tham gia hiệu quả vào các hoạt động chơi và trải nghiệm đa dạng. Thiết kế các góc hoạt động trong lớp và ngoài lớp mang tính mở, tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng sự vật, đồ vật, đồ chơi để thực hành, trải nghiệm. Làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ hoạt động dạy học lấy trẻ làm trung tâm đa dạng về chủng loại. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.Tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh, cộng đồng về vị trí, vai trò của giáo dục và hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình,chuẩn bị cho trẻ vào lớp   1.
          Khuyến khích trẻ sáng tạo, tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ hoạt động, trải nghiệm, khám phá dưới nhiều hình thức khác nhau; tạo cơ hội cho trẻ được bộc lộ hết khả năng của riêng mình, tăng tính tương tác giữa trẻ với trẻ. Cho trẻ nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động trải nghiệm phát triển tư duy của trẻ, thông qua đó, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện. Một môi trường sạch sẽ, an toàn, có sự bố trí khu vực chơi và học trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận tiện, khoa học, nó có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với sự phát triển thể chất của trẻ, mà còn thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo.
          Xây dựng tốt môi trường giáo dục trong trường mầm non là phương tiện, điều kiện để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, khả năng thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ mầm non vào học lớp 1; phù hợp với phương châm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo“Học mà chơi, chơi mà học”.
          Biện pháp thứ 4: Trang bị cho giáo viên các kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm

          Đây là việc vận dụng các tri thức của giáo viên nhằm giải quyết những tình huống có vấn đề nảy sinh trong quá trình giáo dục buộc nó chuyển sang trạng thái ổn định hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn và phát triển nhân cách của trẻ. Để xử lý tình huống trong quản lý giáo dục mầm non hiệu quả giáo viên mầm non cần phải tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo tính giáo dục cũng như đảm bảo bình đẳng và công bằng để ứng xử theo nhu cầu đảm bảo tính mềm dẻo và linh hoạt đảm bảo tính kịp thời và cần xác định tuần tự xử lý một cách khoa học nhất. Còn đối với tình huống sư phạm thông thường, có thể thực hiện xử lý theo quy trình sau:

          Xác định tình huống

          Nội dung của việc xác định tình huống chính là xác định loại tình huống cũng như đối tượng giáo dục và chủ thể giáo dục và những người liên quan trong tình huống sư phạm với các thuộc tính và phẩm chất cơ bản của họ. Trong hoạt động giáo dục mầm non, đối tượng giáo dục là trẻ mầm non, chủ thể giáo dục là giáo viên và những người liên quan đến tình huống như Ban Giám hiệu, phụ huynh… Ở đây, đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng thu thập thông tin liên quan đến tình huống.

          Tìm hiểu nguyên nhân

          Để có thể tìm ra nguyên nhân gây nên tình huống trong ngành quản lý giáo dục mầm non giáo viên phải phân tích hoàn cảnh cụ thể diễn ra tình huống với những hiện tượng, sự kiện cũng như hành động sư phạm vạch ra những mối liên hệ và quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng. Trong quá trình phân tích tình huống giáo viên cần phải đi sâu vào việc phân tích tâm lý cũng như hành vi của các chủ thể khi tham gia vào tình huống. Sau đó giáo viên sẽ phân tích tâm lý động cơ của hành vi là những kích thích tâm lý của hành vi như những nhu cầu, khát vọng, ý muốn cũng như hứng thú, xu hướng, quan điểm của các chủ thể.
          Chú ý khi phân tích những mâu thuẫn trong tình huống giáo viên cần phân tích các đặc điểm tâm lý khác như: cảm giác, trí nhớ, tư duy, ngôn ngữ, tình cảm, ý chí … Bởi những đặc điểm này biểu hiện trong hành vi, cử chỉ, cách nói năng, cách quan hệ cư xử trong hoạt động thực tiễn của trẻ và các đối tượng khác.
          Khi phân tích phải lý giải các đặc điểm tâm lý bên trong của nhân cách ngoài ra giọng nói và nhịp điệu giọng nói cũng thể hiện tính cách, trí tuệ, tình cảm, ý chí của con người như chủ động hoặc bị động,chân thành hay giả dối, vui hay buồn… Nếu như bạn là giáo viên tinh tế, nhạy cảm, bình tĩnh và sáng suốt sẽ có được phán đoán đúng trạng thái cảm xúc và đặc điểm tâm lý, nhân cách của đối tượng gây nên tình huống.
          Trong hoạt động của giáo viên mầm non các nguyên nhân tạo nên tình huống thường do giáo viên chưa có tay nghề sư phạm, chưa hiểu trẻ, chưa thực sự yêu trẻ hoặc chưa có phương pháp giáo dục tốt, hoặc từ phía các khía cạnh khác như cha mẹ ly hôn, không quan tâm giáo dục trẻ, cách giáo dục chưa đúng …. Vì vậy muốn tìm hiểu chính xác nguyên nhân của tình huống trong quản lý giáo dục mầm non giáo viên cần có kỹ năng xử lý các thông tin nghiên cứu và đánh giá tình hình một cách khách quan nhất.
          *Các bước tiến hành xử lý tình huống trong quản lý giáo dục mầm non

          Xác định nhiệm vụ

          Sau khi tìm hiểu nguyên nhân để xác định được nhiệm vụ giáo viên cần phân tích mối liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng, sự kiện hoặc những tác động giáo dục những ưu điểm và sai lầm, thiếu sót trong hành vi của đối tượng giáo dục cũng như những tác động sư phạm cũng như chủ thể giáo dục.

          Tìm các giải pháp

          Người giáo viên có thể căn cứ các nhiệm vụ cần giải quyết để có thể đưa ra các giải pháp khác nhau khi đưa ra giải pháp, giáo viên phải phân tích được các cách giải quyết đúng hay sai, vận dụng được kiến thức khoa học của giáo dục học, tâm lý học hay chưa, hiệu quả của các cách giải quyết đã phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục mầm non, đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh cá nhân, trường hợp cụ thể của trẻ trong những tình huống cụ thể… Bên cạnh đó, giáo viên cần tính đến mức độ thuận lợi và khó khăn của từng giải pháp.

          Chọn cách xử lý tối ưu

          Từ việc phân tích các giải pháp đã đưa ra giáo viên cần lựa chọn cách xử lý tối ưu cho tình huống trên cơ sở xác định mâu thuẫn chính của tình huống có thể kết hợp các giải pháp khác nhau đối với các tình huống sư phạm nhằm đưa ra những giải pháp toàn vẹn nhất.

         

          Thực hiện xử lý tình huống

          Khi đã chọn được giải pháp xử lý tình huống tối ưu giáo viên tiến hành xử lý tình huống sư phạm kịp thời nhằm đảm bảo quá trình giáo dục được diễn ra thuận lợi cũng như đáp ứng mục tiêu chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Những tình huống sư phạm mang tính chất đặc biệt nhà giáo dục không thể tuân thủ trình tự các bước xử lý tình huống sư phạm thông thường mà cần phải có sự linh hoạt cũng như sáng tạo. Đặc biệt khi gặp những tình huống vượt quá thẩm quyền, nhà giáo dục không được tự ý giải quyết mà cần xin ý kiến của cấp trên.
          Giáo viên đúc rút được kinh nghiệm sau khi giải quyết được tình huống giáo dục trong bài học sư phạm giáo viên cũng cần đưa ra hệ thống các biện pháp để ngăn ngừa những tình huống tương tự có thể xảy ra.
          Nói tóm lại để giải quyết các tình huống sư phạm nhà giáo dục cần có cơ sở xử lý tình huống sư phạm hoặc hệ thống lại những kiến thức về đặc điểm tâm sinh lý trẻ các nguyên tắc sư phạm cũng như quy trình xử lý tình huống trong quản lý giáo dục mầm non.
          Với năng lực xử lý tình huống sư phạm để phát hiện ra mâu thuẫn huy động kinh nghiệm cũng như lựa chọn phương án, điềm tĩnh, quan tâm, tôn trọng, thận trọng lắng nghe để hiểu trẻ nhằm sáng tỏ các nguyên nhân, vận dụng các biện pháp thích hợp trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc và quy trình sẽ quyết định sự thành công của nhà giáo dục khi xử lý tình huống sư phạm. Đó chính là một trong những con đường quan trọng giúp đạt được mục tiêu đề ra trong hoạt động giáo dục mầm non.
          Kỹ năng xử lý tình huống sư phạm mầm non
         Giáo viên phải có kiến thức về con người, hiểu tâm lý và yêu trẻ, có hiểu biết rộng về các vấn đề xã hội, đặc biệt là các vấn đề trong học đường.
         Trong các tình huống ứng xử sư phạm, giáo viên luôn tôn trọng nhân cách trẻ, có niềm tin vào trẻ, không vụ lợi, không thiên vị hay thành kiến, làm chủ cảm xúc, không để các quan hệ đời thường chi phối việc xử lý các tình huống sư phạm.
         Xử lý tình huống phải nhanh, không ảnh hưởng đến giờ học. Tùy từng tình huống, các vấn đề nảy sinh, giáo viên cần xử lý ngay nhưng cũng có thể tạm dừng lại cho đến thời điểm phù hợp.
         Ứng xử trong các tình huống sư phạm mang tính giáo dục, định hướng phát triển nhân cách chứ không phải nằm ở mục đích kỷ luật trẻ.
         Không bỏ qua các tình huống sư phạm bằng cách quan sát, tìm hiểu kỹ trẻ/lớp mầm non đang quản lý.
         Trong quá trình xử lý tình huống sư phạm phải bình tĩnh, tự chủ trong mọi hoàn cảnh.
         Không ngừng học hỏi, nâng cao khả năng xử lý các tình huống sư phạm thông qua phương pháp tự học, học hỏi đồng nghiệp…
         Tự đặt ra, dự kiến các tình huống sư phạm để có phương án xử lý tốt, tránh bị bất ngờ, dẫn đến lúng túng, xử lý không hiệu quả.
          Biện pháp thứ 5: Giáo viên quan tâm đến đặc điểm tâm sinh lý của từng trẻ trong lớp phụ trách
          Để xử lý tốt các tình huống sư phạm xảy ra, các cô giáo cần nắm được đặc điểm tâm sinh lý của từng trẻ trong lớp mình phụ trách, quan tâm trẻ lắng nghe những ý kiến của trẻ, giải quyết thỏa đáng những yêu cầu của trẻ. Luôn chú ý tới mọi hoạt động của trẻ kịp thời nhắc nhở những trò nghịch nguy hiểm của trẻ. Lưu tâm và chia sẻ tới hoàn cảnh của trẻ, thấu hiểu những khó khăn về khả năng nhận thức của trẻ để kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học.
          IV.  KẾT LUẬN
          I. Kết luận, khẳng định tính sáng tạo của sáng kiến.
Có thể khẳng định rằng từ những biện pháp trên trong năm học qua đội ngũ giáo viên trong tổ khối đã có một bước chuyển mình trong việc phát huy năng lực chuyên môn, số giáo viên biết cách xử lý các tình huống sư phạm khéo léo, linh hoạt, hợp lý thúc đẩy phát triển ở trẻ các lĩnh vực giáo dục đạt trên 85%, chất lượng trẻ ngày một nâng lên, các lĩnh vực phát triển đạt trên 98,5%, cơ sở vật chát cảnh quan mô trường gọn gàng, xanh- sạch- đẹp thu hút trẻ tới trường, các góc chơi được gây dựng và đa dạng các góc cho trẻ trải nghiệm vui chơi. Mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường ngày càng bền chắc, tương trợ và đồng nhất về công tác chăm sóc giáo dục trẻ suốt trong thời gian vừa qua.
          II. Những vấn đề cần tiêp tục nghiên cứu
          Khi thực hiện đề tài sáng kiến: "Một số biện pháp hướng dẫn giáo viên tổ mẫu giáo nhỡ- lớn có kinh nghiệm xử lý các tình huống sư phạm thường gặp trong CSGD"  tôi thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu để đề tài đạt được hiệu quả tối đa hơn những vấn đề sau:
          Đẩy mạn hơn nữa các biện pháp khi thực hiện cho hiệu quả.
          Đẩy mạnh công tác trao đổi, tuyên truyền về các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ của trường tới phụ huynh.
          III. Đề xuất, kiến nghị.
Với tinh thần trách nhiệm trong công tác, hết lòng vì trẻ thơ tôi đưa ra một số kiến nghị sau:
 Đối với nhà trường:
Tiếp tục ủng hộ tổ khối trong việc tham mưu xây dựng các mô hình trải nghiệm khám phá.
Quan tâm bổ sung về đồ dùng đồ chơi, đa dạng về chủng loại.
Trên đây là đề tài sáng kiến tôi đã thực hiện được trong năm qua rất mong Hội đồng chấm thi xem xét và đồng nghiệp góp ý để tôi phát huy hơn nữa trong những năm tới.
Tôi chân thành cảm ơn!        
                                                Thanh Chăn, ngày 26 tháng 5  năm 2020
                                                          NGƯỜI VIẾT SÁNG KIẾN
                                                                   (ký ghi rõ họ tên)
 
 
 
 
 
          C. TRÍCH DẪN DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Các trang Web trên mạng hướng dẫn các phương pháp dạy học tích cực. Thực hiện chuyên đề "Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm".
- Sách hướng dẫn thực hiện chương trình cho trẻ mẫu giáo. Nhà xuất bản Giáo Dục
- Tâm lý học trẻ em mầm non.    
- Tài liệu giáo viên hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học- NXB giáo dục
- Tài liệu cẩm nang chăm sóc sức khỏe trẻ em- NXB giáo dục
 
 
 
 
 
 

 

Tác giả: hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thực đơn
Bữa sáng:

- Sữa Cô gái Hà Lan
- Phở bò

Bữa trưa:

- Cơm
- Canh bí đỏ hầm xương
- Bò nấu đậu
- Dưa hấu

Bữa xế:

- yaourt

Bữa chiều:

- Miến gà

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây